Close
Free HTML5 Bootstrap Template

About Me

Francisco Assisi. Maria
Nguyễn Yên CRM

Trở Lại Trang

BÀI SUY NIỆM VỀ LỄ MẸ SẦU BI

 Đau khổ của con là sầu bi của Mẹ

Nguồn: Jos. Vinc. Ngọc Biển

Trong những ngày này, cả thế giới nín lặng trong sự bàng hoàng trước những tàn ác của Phiến quân Hồi Giáo (IS). Những kẻ này đã chặt đầu và nã đạn hàng ngàn người vô tội chỉ vì họ trung thành với đức tin Công Giáo và không chịu cải đạo sang Hồi Giáo. Hàng triệu người phải bỏ quê hương, xứ sở để sơ tán, lánh nạn. Sự ngang tàng, ác độc của Phiến quân Hồi Giáo cực đoan đã làm cho cả thế giới phải ghê rợn. Vì thế, không thể ngồi yên, những nhà lãnh đạo từ mọi phía, đang tìm mọi cách để ngăn chặn sự độc ác này. Đồng thời, nhiều tổ chức, tùy hoàn cảnh, khả năng, đã ra tay giúp đỡ các nạn nhân.

Có lẽ qua sự kiện này, đã để lại trong đầu chúng ta những câu hỏi: tại sao nhân loại lại phải quan tâm đến chuyện của một đất nước khác? Những hình khổ, chết chóc của người dân phải chịu có ảnh hưởng gì với chúng ta?

Câu trả lời hết sức đơn giản, bởi lẽ chúng ta có một mối liên hệ trong tình yêu. Vì thế, nỗi đau của người dân Iraq cũng là nỗi đau của chúng ta. Chúng ta không bị đổ máu, nhưng trong mầu nhiệm hiệp thông, chúng ta cũng có một phần trách nhiệm. Chúng ta không phải ly tán, nhưng trong sự liên đới, chúng ta phải cảm thương.

Hôm nay, phụng vụ mừng kính lễ Đức Mẹ Sầu Bi. Đây là cơ hội để chúng ta có dịp cảm nghiệm được sự kết hiệp mật thiết giữa hai cuộc đời trong cùng một sứ vụ là cứu chuộc nhân loại.

Khi thiết lập lễ này, Giáo Hội muốn chúng ta cùng nhau chiêm ngắm hình ảnh Mẹ Maria trên các chặng đường thương khó của Đức Giêsu. Bởi vì cả cuộc đời của Mẹ luôn theo sát Đức Giêsu, con của Mẹ trên mọi nẻo đường.

Như vậy, niềm vui, nỗi buồn, thành công hay thất bại của Con cũng là của Mẹ. Mọi đau thương của Con, Mẹ đều ôm trọn vào tim, để rồi suy đi nghĩ lại trong lòng.

Cuộc đời của Mẹ cũng có những lúc vinh quang chan hòa, nhưng cũng không thiếu cảnh đau thương, xót xa.

Vì thế, lần dở lại các chặng đường của Đức Giêsu từ thủa ấu thơ đến khi rao giảng, chịu chết, an táng và lên trời, chúng ta đều thấy dấu ấn của Mẹ Rất Thánh ẩn hiện trong đó.

Những đau khổ ấy được tô đậm qua những sự kiện quan trọng:

Khởi đi từ việc cùng thánh Giuse lên đường trở về Belem để đăng ký nhân khẩu, đêm về, không thể tìm được quán trọ chỉ vì nghèo và bụng mang dạ chửa; rồi sinh Đức Giêsu trong cảnh màn trời chiếu đất nơi máng cỏ bò lừa; chưa hết khó khăn thì lại gặp cảnh khốn đốn khi hay tin vị vua tàn ác là Hêrôđê tìm giết Hài Nhi, nên đã cùng với thánh Giuse chạy trốn sang Ai Cập; chẳng bao lâu, lại long đong đưa Hài Nhi trở về Nazareth, rồi bị lạc mất Đức Giêsu trong đền thờ lúc 12 tuổi; đỉnh cao của cảnh bi thương trần lụy khi chứng kiến người ta đả đảo con mình; thấy được kẻ ác đánh đập tàn bạo, dã man; đau điếng khi thấy con bị những lằn roi chí tử giáng xuống trên mình; chứng kiến cảnh quan tòa nhu nhược mà kết luận bản án bất công; chưa hết, buồn tê tái khi môn đệ thân tín bán đứng Con Chí Ái, Phêrô chối không nhận Thầy; xót xa khi thấy con vác thập giá và ngã gục trên đường; xé lòng khi nghe từng tiếng búa chát chúa kèm theo tiếng kêu của con khi bị quân lính đóng đinh; nín thở nhìn con thoi thóp từng hơi trên thập giá; buốt nhói khi đứng dưới chân thập giá chứng kiến con chút hơi thở cuối cùng; ngất lịm khi nhìn quân lính đâm cạnh nương long và tang thương khi ôm xác con vào lòng; tủi phận khi phải an táng con trong ngôi mồ mượn…

Như vậy, cuộc đời của Mẹ luôn gắn liền với Đức Giêsu. Sứ mạng của Đức Giêsu được Mẹ ấp ủ trong lòng. Con đường thập giá mà Đức Giêsu mang trong sự vâng phục thánh ý Thiên Chúa Cha, cũng được Đức Mẹ “xin vâng” và mang trong trái tim.

Điểm lại những đau thương mà Mẹ Maria phải chịu, chúng ta khám phá ra một người Mẹ can đảm, hiên ngang và thi hành trọn vẹn thánh ý Thiên Chúa trong cuộc đời của mình nơi các biến cố.

Thật vậy, cả cuộc đời của Mẹ, Mẹ đã sống trọn vẹn lời “xin vâng” với Thiên Chúa. Mẹ “xin vâng” cả lúc vui lẫn khi buồn. “Xin vâng” trong mọi hoàn cảnh. “Xin vâng” đến trọn cuộc đời.

Nói khác đi: cuộc đời của Đức Giêsu là một cuộc đời luôn vâng phục Thánh Ý Chúa Cha, thì cuộc đời của Mẹ Maria là cuộc đời trọn tình vẹn nghĩa với lời “xin vâng”.

Bởi lẽ, nơi cuộc đời và sứ mạng của Đức Giêsu cũng chính là cuộc sống của Mẹ, nên không lạ gì nỗi đau của Con cũng là của Mẹ. Chỉ khác một điều là Đức Giêsu thì mang trên thân xác, còn Mẹ thì mang trong tâm hồn.

Thật thế, lời của tiên tri Simêon đã được ứng nghiệm cách trọn vẹn: “…chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (Lc 2, 35).

Như vậy, cách nào đó, Mẹ đã trở nên đồng hình đồng dạng với Con Chí Ái, vì thế Mẹ xứng đáng được tặng ban tước hiệu là Đấng “Đồng Công Cứu Chuộc”.

Mừng lễ Đức Mẹ Sầu Bi hôm nay, chúng ta được an ủi rất nhiều, vì trong cuộc sống của chúng ta, mọi khía cạnh đều có Đức Giêsu đi qua và có Mẹ Maria cảm thông.

Mỗi khi gặp khó khăn, mây mù giăng lối, chúng ta hãy biết ngước nhìn lên Mẹ như Mẹ đã ngước nhìn lên Thánh Giá Chúa khi xưa và sẵn lòng đón nhận mọi nghịch cảnh xảy đến trong đời, ngõ hầu mọi sự đều sinh ích cho người có lòng yêu mến Chúa.

Lạy Mẹ Sầu Bi, xin Mẹ ban cho chúng con hiểu lòng Mẹ, an ủi Mẹ, và sẵn lòng chịu mọi sự khốn khó cho nên vì lòng yêu mến Chúa như Mẹ, để sau cuộc đời này, chúng con được bên Mẹ trong Nước của Con Chí Thánh là Đức Giêsu Kitô muôn đời. Amen.